Tranh Đông Hồ - Di sản trên giấy dó
Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc tồn tại một dòng tranh dân gian có lịch sử đã hơn 500 năm đó là tranh Đông Hồ - Một di sản văn hóa trên giấy dó nổi tiếng của Việt Nam.
Tranh Đông Hồ có xuất xứ từ làng Đông Hồ ( xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tranh Đông Hồ bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ XVI với 5 loại tranh cơ bản là: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh. Thời kỳ tranh thịnh vượng nhất là từ thế kỷ thứ XIX đến năm 1944.
Tranh Đông Hồ có sức sống lâu bền và sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, tranh Đông Hồ vẫn thu hút và được yêu mến là bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn liền với văn hoá người Việt. Đó là hình ảnh những đàn lợn, đàn gà với đám cưới chuột, hình ảnh những cô thiếu nữ hứng dừa hay độc đáo với cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…Không chỉ là một loại tranh nổi tiếng ở Việt Nam, tranh Đông Hồ ngày nay đã được bạn bè quốc tế biết đến và là một trong những món quà lưu niệm phổ biến mà khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam.
Tranh chọi trâu |
Tranh đám cưới chuột |
Tranh Đông Hồ đặc biệt là bởi tranh được vẽ trên giấy dó với những màu sắc tự nhiên. Giấy dó làm từ vỏ cây dó, phủ lên một lớp bột làm từ vỏ điệp. Để có được giấy dó, các nghệ nhân phải nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu để vẽ thì hoàn toàn làm từ chất liệu tự nhiên như: màu xanh từ lá chàm, màu đỏ từ sỏi son, màu đen từ than lá tre, màu vàng từ hoa hoè, màu trắng từ vỏ điệp …Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy các nghệ nhân, những người dân làng nghề đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu. Để hoàn thành một sản phẩm không thể không kể đến khau khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi sấy cho khô hồ, quyết điệp rổi lại phơi giấy cho lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in phải là một lần phơi…Cứ thế, dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh từng hình ảnh, từng đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân cũng như những hình ảnh cuộc sống thường ngày..dần hiện ra trên trang giấy dó. Mỗi giai đoạn để làm tranh đều công phu và đòi hỏi người thực hiện phải luôn cẩn trọng, cầu kỳ từng chi tiết nhỏ.
Bởi sự tinh tế, cầu kỳ trong khâu thực hiện cùng với những đường nét vẽ giản dị nhưng đầy cuốn hút, tranh Đông Hồ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ cho đến ngày hôm nay. Và điều đặc biệt vui mừng cho những người làng nghề tranh Đông Hồ và những ai yêu thích loại tranh này đó là ngày 16 tháng 3 mới đây, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng hồ sơ để đệ trình Unesco đề nghị công nhận Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể.
Hotline
Hotline