TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ
Là một trong ba dòng tranh dân gian của Việt Nam xuất xứ từ Làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có lịch sử trên 400 năm. Làng Đông Hồ nằm sát ngay bờ sông Đuống, xưa còn gọi là làng Mái, các cụ vẫn truyền lại câu thơ rằng:
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh”
Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam vì hình ảnh trong tranh gắn liền với làng quê, ngõ xóm và phản ánh cuộc sống sinh hoạt bình dị của người nông dân. Chính vì thế Tranh Đông Hồ đã là nguồn cảm hứng thơ ca của nhiều nhà thơ nổi tiếng:
“Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Lòe loẹt trên vách bức tranh gà”
(Thơ Tú Xương)
Hay
“ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy Điệp”
(Thơ Hoàng Cầm)
Trước đây Làng Đông Hồ có 17 gia đình làm tranh, hiện nay chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Quả cùng con cháu tiếp tục theo nghề, gìn giữ di sản. Năm 2013 tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Tranh dân gian Đông Hồ - Tranh của người Việt
Hotline
Hotline