HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline: 0937 307 988

E-mail: ab@tranhdangiandongho.vn

Skype Email

TIN TỨC & SỰ KIỆN
Thư viện videos
TIN TỨC

Tìm hiểu qui trình làm tranh Đông Hồ

Ga thu hung

Gà thư hùng

   Những bức tranh Gà, Lợn, Hứng dừa, Đánh ghen… mộc mạc, dân dã mà cuốn hút, níu kéo, đã tạo thi hứng cho nhà thơ Hoàng Cầm viết câu thơ nổi tiếng : «Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp… ». Đã từ lâu, câu hỏi : « Các nghệ nhân Đông Hồ đã làm tờ tranh điệp như thế nào » luôn trăn trở với người yêu tranh. Dưới đây là những  chia sẻ cùng bạn đọc qui trình làm tranh Đông Hồ với các công đoạn: ra mẫu, cắt ván, chuẩn bị nguyên vật liệu và in tranh.

1. Ra mẫu

Đây là công việc của nghệ  nhân sáng tác. Từ xưa đến nay, bao giờ cũng vậy, trong làng chỉ có một vài nghệ nhân ra mẫu. Nghề làm tranh là nghề của cả làng, ông thợ cày, bà thợ cấy, các em thiếu nhi, các cụ già – đều biết làm tranh, nhưng là làm những việc như in, quét điệp, hay nhặt nhạnh, phơi phóng – chứ không thể sáng tác. Một điều cần nhấn mạnh là cùng được gọi là Nghệ nhân, nhưng nghệ  nhân sáng tác thì khác xa nghệ nhân cắt ván và lại càng xa hơn nghệ nhân chỉ biết in tranh (cũng có những nghệ nhân làm được tất cả các việc). Các nghệ nhân sáng tác thường là những nhà nho có học, am hiểu văn hoá, lịch sử, xã hội, có tài quan sát, có khiếu thẩm mỹ… Chính vì thế, tranh Đông Hồ có nội dung rất phong phú, không chỉ thể hiện cảnh sinh hoạt ở nông thôn  hiện tại  mà  còn có nhiều tranh về lịch sử, về tôn giáo và có nhiều tranh mang tính triết lý sâu sắc. Trên tranh  thường có chữ Hán, chữ Nôm, sau này có cả chữ quốc ngữ. Giống với các loại hình văn hoá dân gian khác, tranh Đông Hồ cũng do các nghệ nhân không được đào tạo qua trường lớp sáng tạo nên. Lúc đầu mỗi bức tranh  chỉ do một nghệ nhân vẽ mẫu, sau khi vẽ, nghệ nhân có thể treo tranh lên vách để mọi người cùng xem và góp ý, cho dù nghệ nhân có sửa tranh theo sự góp ý nào đó – thì cũng không thể coi bức tranh đó là sáng tác tập thể được. Thực tế thì tác giả đã nghiền ngẫm rất kỹ, nếu có thay đổi chút ít thì thường cũng từ ý kiến của một ông bạn nhà nho tâm đắc. Thế nhưng, thời xưa ở ta chưa có khái niệm bản quyền, những tranh mới  mà bán chạy, lập tức nhà khác “xin “ mẫu ngay. Khi cắt ván, nghệ nhân điêu khắc  có thể làm thay đổi chút ít – làm tranh khác với nguyên mẫu. Hoặc thời gian trôi qua, các thế hệ sau thêm chữ (hay bớt chữ), hay thay chữ nho bằng chữ quốc ngữ (hoặc ngược lại), vì những lẽ đó  ta thường bắt gặp cùng một tranh có nhiều dị bản.

Có một điều đặc biệt là vào thời kì chưa xa lắm, trong số các nghệ nhân sáng tác nổi tiếng, còn được lưu danh đến ngày nay, không có ai là nông dân theo đúng với nghĩa của từ này. Họ ở nông thôn nhưng không biết cầy cấy, lúc nhỏ tuổi thì đi học, học qua tuổi thanh niên, không đi thi, hay thi không đỗ về nhà dạy học, vẽ tranh, sau này thì vẽ thêm hàng mã. Đó là các nghệ nhân: Nguyễn Thể Thức (1882 – 1943), Vương Chí Long (1887 – 1944 – còn gọi là cụ đồ Long),  Nguyễn Thể Lãm (1910 – 1978), Phùng Đình Năng (1912 – 1993), Vương Chí Lương (1916 – 1946).

Xưa các cụ sáng tác tranh thường có đôi – như đôi câu đối. Có bốn kiểu đôi tranh: Kiểu thứ nhất: Hai tranh hoàn toàn đối xứng nhau (đối xứng trục), chẳng hạn hai con lợn châu đầu vào nhau. Kiểu thứ hai: Hai tranh cũng đối xứng trục nhưng trên mỗi tranh có chữ khác nhau. Chẳng hạn tranh “Tiến tài”  – có đôi của nó là “Tiến lộc”. (Hai vị thần đối xứng nhau nhưng chữ trên mỗi tranh khác nhau). Kiểu thứ ba: Sự đối xứng không còn thực hiện nghiêm ngặt nữa, đối ý là chính. Chẳng hạn, em bé ôm gà và em bé ôm vịt (phú quí, vinh hoa), hay em bé cầm quả đào và em bé cầm quả phật thủ. Kiểu thứ tư: Chỉ đối ý, loại này nhiều tranh nhất: Hứng dừa – đánh ghen, Đu đôi – bắt trạch, Trưng Vương khởi nghĩa – Triệu Ẩu xuất quân, Trai tứ khoái – gái bảy nghề v.v… Đôi khi hai tranh đối xứng được vẽ thành một – như “Phúc lộc song toàn” hay “Lý ngư  vọng nguyệt”.

Lúc ra mẫu, đầu tiên các nghệ nhân vẽ phác  lên  giấy dày, sửa chữa đến khi ưng ý thì can lên một tờ giấy dó loại rất mỏng. Có một số tranh  tác giả lật mặt sau lên, tô lại,  được một đôi tranh đối xứng nhau. Nếu thi hứng dâng trào thì tác giả lại viết  thêm chữ hoặc câu đối lên tranh. Nghệ nhân vẽ mẫu thường cũng hay vẽ tranh chơi (vẽ trực tiếp, không phải in). Tranh mẫu để cắt ván khác hẳn tranh vẽ chơi ở chỗ: đường nét đơn giản, rõ ràng, không quá nhiều chi tiết gây rối và khó cắt ván, tranh in ra không đẹp.

2. Cắt ván  (đúng nghĩa là « khắc ván » nhưng người Đông Hồ quen gọi là « cắt ván »)

Số nghệ nhân cắt ván không nhiều lắm nhưng đông hơn số nghệ nhân sáng tác. Trước  hết họ làm một tấm gỗ thật phẳng. Gỗ thị, gỗ mực thường làm ván nét (nét đanh, bền lâu), gỗ vàng tâm làm ván màu (mảng to hơn, không cần phải “đanh” lắm, mà gỗ vàng tâm mềm hơn, dễ khắc). Sau đó quét hồ lên, dán úp tờ mẫu vào, quét lại  một lượt bằng “thét” (một loại chổi thông sẽ nói ở phần sau) không có hồ, toàn bộ mẫu tranh đã hiện lên mặt sau tờ tranh. Khắc xong, khi in ra tranh sẽ giống như tờ mẫu, (nếu dán ngửa tờ mẫu vào rồi khắc, tranh in ra sẽ ngược với mẫu, chữ không đọc được). Nghệ nhân cắt ván có bộ đồ nghề như của thợ mộc, nhưng nhỏ hơn, sắc bén hơn. Họ đục nét  trước rồi “dãy” mảng sau, cứ như vậy cho đến khi hoàn thành bản đầu tiên gọi là ván nét. Nét khắc trên ván này thường to đậm, sâu và đứng thành.

Tiếp đến  là việc phân màu, công đoạn này nghệ nhân cắt ván  kết hợp với nghệ nhân ra mẫu cùng làm. Họ in ra một bản nét, dùng bút lông tô màu từng mảng – thường mỗi tờ tranh có từ ba đến bốn màu và đường viền (contour)  màu đen, sau đó lấy tờ giấy dó mỏng đặt lên trên, tô lại mỗi mảng màu đó một bản, rồi lại làm như với ván nét – được các ván màu. Để các ván này in ra khớp với nhau, người ta để lại ở mỗi ván hai chấm ở  bên trái, sát mép gỗ – gọi là “cữ”.

Đến thời kỳ tranh bộ, mỗi bộ có bốn tờ dài, mỗi tờ có khi phải làm ba, bốn ván in như vậy mỗi bộ tranh có thể có 16 ván. Còn có một loại gọi là tranh chủ (vẽ các đồ thờ cúng – dùng để dán lên bàn thờ), gồm một tờ to, kích thước khoảng 80 x 120 cm và bốn tờ nhỏ 20 x 120 cm. Bộ ván in tranh này có thể tới 24 tấm ván in.

Đầu thế kỷ XX có các nghệ nhân cắt ván giỏi còn lưu danh như: Nguyễn Đăng Tuỵ, Nguyễn Đăng Mưu, Nguyễn Thế Bân, Hà Văn Tư…

3.Chuẩn b nguyên vật liệu

  • Giấy dó
    QUET ĐIỆP

Đây là loại giấy được sản xuất bằng phương pháp thủ công từ cây dó. Nghiên cứu tại các cơ sở sản xuất giấy dó ở Việt Nam cho thấy, về cơ bản, giấy dó sản xuất thủ công, không có tác động hoá chất tạo a-xít trong giấy. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trongnước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò (chi Clerodendrum) tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là “huyền phù” mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng “liềm seo” (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp, nhẹ. Sau cùng là phơi hoặc sấy. Các công cụ sản xuất hầu như bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy. Giấy dó được sản xuất theo quy trình này không có độ a-xít dẫn đến tuổi thọ cao. Một số tài liệu cho rằng giấy dó có độ tuổi thọ tới 500 năm.

Giấy dó có nhiều loại từ rất mỏng đến rất dầy, gọi là bóc một, bóc đôi, bóc ba v.v… Đông Hồ không làm giấy này mà mua ở Đống Cao – huyện Yên Phong cùng tỉnh hoặc làng Hồ Khẩu- ven Hồ Tây Hà Nội. Giấy để in tranh thường người ta chọn loại bóc ba hoặc bóc tư – không dầy quá, cũng không mỏng quá. Thời xưa giấy dó thường có khổ khoảng 25 x 70 cm, các nghệ nhân Đông Hồ  chia tranh thành ba loại theo khổ giấy:

– Tranh phá đôi: Tờ giấy dó pha đôi, kích thước khoảng 25 x 35 cm.

– Tranh phá ba: Tờ giấy dó pha ba, kích thước khoảng 25 x 23 cm – còn gọi là tranh vuông.

– Tranh phá tư: Tờ giấy dó pha tư, kích thước khoảng 25 x 17 cm – còn gọi là tranh lá mít.

Việc rọc giấy được thực hiện bằng thanh nứa hoặc dao cùn làm các mép giấy xơ ra cho thêm phần dân dã.

  • Điệp

Ở vùng biển Quảng Ninh  có một loài nhuyễn thể, màu trắng gọi là con điệp. Người Đông Hồ mua vỏ điệp – đã vôi hoá qua thời gian, đổ từng đống lớn ở sân, lấy bùn trát ra ngoài, ủ độ một hai năm thì lấy ra cho vào cối giã nhỏ, dần kỹ, loại bỏ những mảnh to, cứng rồi cho vào bể ngâm vài ngày, lọc một lần nữa rồi bỏ ra đạp bằng chân  hoặc cho vào cối lấy chày xoáy – chứ không giã, gọi là “lèn điệp”. Đến khi điệp quánh lại  thì nắm thành từng nắm to bằng vốc tay, phơi thật khô rồi cất đi dùng dần. Khi làm người ta tán nhỏ ra, trộn với hồ nếp và màu, quét lên giấy dó, được một màu nền lấp lánh vảy điệp.

  • Những màu thiên nhiênĐIỆP, HOA HÒE, ĐẤT ĐỎ

– Màu xanh: Vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng có cây Chàm vẫn để nhuộm vải, người Đông Hồ mua về, bỏ vào chum, vại ngâm từ vài tháng đến một năm, lọc bỏ cặn, được thứ bột  dẻo quánh màu xanh lá cây già. Đó chính là cây chàm mèo hoặc chàm lá to có tên khoa học là Strobilanthes Cusia. Đây là loài cây nhỏ lưu niên, hoa mọc so le hay mọc đối, tràng hoa màu lam đến tím. Không chỉ có công dụng nhuộm vải, cây chàm còn là một cây thuốc quý dùng trong nhiều bài thuốc Đông y. Khi cây chàm đã lên xanh tốt, lá được hái, bỏ vào thùng nước, ngâm cho đến khi mục rữa. Sau đó xương lá chàm được vớt ra, nước trong thùng được quấy lên đến khi sóng sánh màu xanh rồi chờ tinh bột lắng xuống thì gạn ra đem phơi khô và cắt thành miếng cho tiện dùng. Khi nhuộm chàm, thợ nhuộm lấy tinh bột chàm (đã phơi khô) hoà với nước. Tạp chất này tạo ra một loại vi khuẩn tựa như dấm thanh, để tinh bột chàm “cắn” vào vải làm nên màu bền lâu phai.

– Màu đỏ đất:  được lấy từ  đất đỏ (dạng đá ong non) ở vùng trung du Gia Lương, Quế Võ. Loại này phải ngâm kỹ hơn, có khi tới vài năm, màu đỏ ngả nâu.

– Màu đỏ vang: Gỗ vang được trẻ nhỏ, đun kỹ, gạn lấy nước đặc được màu đỏ tươi hơn đỏ đất. Tô mộc, còn có các tên gọi khác là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang (tên khoa học: Caesalpinia sappan), là một loài thực vật thân gỗ nhỏ, cao khoảng 5-10 mét, cho gỗ rất rắn, có màu đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài, được tìm thấy ở khu vực Đông Nam Á. Gỗ này trong tiếng Anh gọi là Brezel wood. Gỗtô mộc đã từng là một trong các mặt hàng chủ yếu trong buôn bán giữa người Nhật Bản và người khu vực Đông Nam Á (đặc biệt là Thái Lan) trong thế kỷ XVII trên các “chu ấn thuyền”. Nó cũng là nguồn có giá trị để sản xuất một loại thuốc nhuộm có màu đỏ, được dùng để nhuộm các sản phẩm từ sợi bông. Tại Việt Nam, gỗ tô mộc còn là một trong những thành phần dùng để nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ rắn, gần như không bị nứt nẻ và được sử dụng để chạm khắc đồ mỹ nghệ.

Thân cây vang cong queo như như con cò quăm, người làng vẫn truyền nhau câu ca về việc nấu gỗ vang:

Cò quăm mà ở trên rừng

Đem về nấu nướng tưng bừng suốt đêm

Hết nước thì lại đổ thêm

Một trăm gánh nước không mềm cò quăm.

Màu vàng  được chế từ  hoa hoè. Đó là một loại hoa nhỏ li ti như hạt gạo, đông y vẫn dùng làm nước giải nhiệt. Hoa hoè được cho vào chảo rang  đến màu vàng nâu thì cho vào nồi nước đun thật kỹ ta có  màu vàng. Sau này người ta còn dùng thêm củ nghệ và  hoa giành giành làm màu vàng.

– Màu đen: Mùa lá tre rụng, các cụ già, trẻ em quét vườn quanh năm, đổ ở sân đống lá tre to như đống rơm. Người ta đốt lá tre – và cũng có khi đốt rơm nếp – đủ độ thành than (nếu quá một tí sẽ thành tro không có màu), được đến đâu vẩy nước đến đấy, rồi cho vào chum nước ngâm đến tận tháng bảy năm sau mới dùng được.

Từ các màu kể trên pha với điệp và pha lẫn nhau (theo tỉ lệ hoàn toàn do kinh nghiệm của nghệ nhân) được một bảng màu đa dạng mà mộc mạc, dân dã được gọi là Thuốc cái.

Theo nghệ nhân Trần Nhật Tấn, một số màu khác được tạo ra như sau:

– Màu đỏ vang pha thêm phèn chua tạo ra đỏ tía, nếu thêm hòe thì thành màu da cam, thêm điệp thì thành màu cánh sen nhạt (không thẫm như phẩm cánh sen) còn thêm chàm thì tạo ra màu nhiễu tím.

– Màu xanh chàm thêm nhựa thông tạo ra màu cẩm thạch, thêm vàng hòe tạo ra màu hoa lý.

– Màu da người được pha từ Hoàng đan (một vị thuốc bắc) và điệp.

Lý thuyết thì như vậy, thực tế thì không phải ai cũng áp dụng được, màu đẹp hay không còn do “bàn tay vàng” của người nghệ nhân.

Tất cả các màu khi dùng làm tranh đều phải pha với hồ nếp – thứ hồ xay từ gạo nếp, ngâm vài ngày, mỗi ngày thay nước một lần, không để hồ lên men. Pha màu với hồ phải do người có kinh nghiệm làm, không có công thức nào cố định, tuỳ theo thời tiết mà gia giảm, vừa độ thì in sẽ bắt ván, đặc quá hay loãng quá đều bị bong điệp.

Thời kỳ làm tranh tô màu, Đông Hồ dùng phẩm với bảng màu như sau:

– Màu đỏ có: son, điều, cánh quế (sắc độ thẫm dần) và cánh sen.

– Màu vàng có: Vàng đất, vàng chanh.

– Màu xanh có: xanh lục, xanh lam, hồ thuỷ (da trời).

– Màu hoa hiên.

– Màu tím.

– Màu đen được chế từ muội cao su (người làng thường gọi là “loa”, gốc tiếng Phápnoir  nghĩa là đen).

Ngoài ra các nghệ nhân còn pha xanh lục với vàng được màu hoa lý. Khi vẽ tranh thờ thì dùng thêm kim nhũ và ngân nhũ.

  • Các dụng cụ in tranh

– Thét: Đó là một loại chổi làm bằng lá thông phơi héo vừa phải, một đầu buộc túm lại, ở giữa được nẹp bằng hai thanh tre cho đầu kia tòe ra. Thét dùng để quét điệp làm nền, phết màu khi in, nó thay cho bút bẹt và cũng có đủ các cỡ  từ  5cm đến 25cm.Thét đựơc  làm ở làng Đạo Tú (cùng xã Song Hồ) là chính. Khi mua về người ta phải luộc thét bằng nước pha muối, rồi lấy dùi đục đập phần đầu cho mềm ra – nhưng cũng không quá lướt sao cho  khi quét nền còn để lại vết  trên điệp và những vẩy điệp lấp lánh – đó là nét đặc sắc của tranh Đông Hồ.

– Bìa: Đây là một cái hộp bằng gỗ, không có nắp, kích thước khoảng 40 x 60 x 15 cm, bên trong nhồi rơm, phía trên căng tấm vải bố. Khi in tranh người ta dùng thét  phết màu lên bìa, rập ván in vào rồi in ra giấy.

Ngoài ra còn các dụng cụ khác như chậu sành đựng phẩm, xơ mướp để xoa vào lưng tranh khi in, sào tre, nứa để phơi tranh…

4. In tranh

  • Tranh ĐiệpIN TRANH

Sau khi có đầy đủ nguyên vật liệu, ông chủ – thường là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong nghề – bắt đầu pha màu.  Nếu trong nhà có nhiều người làm được thì có thể pha vài màu cho vài người in cùng một lúc. Người in để một đống giấy đã quét nền, xếp ngay ngắn trước mặt là bìa, chậu màu, thét, còn ván in thì xếp bên phải tay. Trước tiên dùng thét quét màu lên bìa, sau đó rập ván in lên bìa vài lần (ván in đã được đóng “tay cầm” chắc chắn), đặt ván in lên giấy theo cữ, tay trái luồn xuống dưới  tờ giấy lật cả giấy lẫn ván lên  rồi dùng xơ mướp xoa lên phía sau tờ giấy để màu bắt đều nét, cuối cùng bóc tờ tranh ra bỏ sang bên trái, các tờ in sau để so le với tờ trước. Cứ như vậy cho đến đủ các màu, màu đen – tức là ván nét được in cuối cùng và do người khéo tay nhất thực hiện.  Yêu cầu màu vừa đủ, đặt ván chính xác, xoa đều tay. Nếu màu khan quá  hoặc xoa ẩu sẽ mất nét, nếu  màu nhiều quá (các cụ nói là bị sặc màu) hoặc đặt không đúng cữ, thì tranh  sẽ bị nhòe nhoẹt – cả hai trường hợp tranh đều xấu. Cùng một mẫu tranh do một nghệ nhân sáng tác, khi cắt ván – nhiều nhà cùng cắt – đã có thể tạo ra những tranh khác nhau. Khi in, mỗi nhà lại phân màu khác nhau, cộng với tay  nghề khác nhau nên có thể tạo ra những bức tranh khác nhau. Cùng tranh một con gà có khi rất đẹp mà cũng có khi lem nhem xấu xí. Kỹ thuật in như trên rất giống kỹ thuật in tranh khắc gỗ màu Nhật Bản. ở Nhật Bản gọi các bản in màu là bản vỗ, phương pháp in được gọi là so dấu – cũng đánh dấu như “cữ” của tranh Đông Hồ. Các bản vỗ được lăn mực chứ không dập lên bìa như Đông Hồ. Sau khi lật ngửa ván in lên người Nhật dùng xơ gai dầu để chà xát lên lưng tranh.

  • Tranh tô màu

Loại này chỉ phải in một lần màu đen. Với những tranh khổ lớn, ván in to, dài (như tranh Tứ phủ chẳng hạn), thì không dập ván lên bìa như trên (màu không thể bắt đều vào ván – tranh sẽ mất nét) mà phải dùng thét quét mực lên ván in, rồi cũng làm như  với tranh nhỏ. Khi tranh khô và đã nén phẳng sẽ được chia cho cả nhà tô màu, trẻ con hoặc các cụ bà thì tô màu vàng – (có lấn sang mảng khác còn sửa được), những người khác tô các màu còn lại. Các kỹ thuật: vờn, điểm mắt (tô màu xong, vẽ lại mắt cho đẹp) rất tỉ mỉ. Vẽ kim nhũ, ngân nhũ (với tranh thờ), phải do người có tay nghề giỏi nhất thực hiện. Tranh bộ và tranh thờ được dán thêm hai que bằng tre, hoặc nứa vào đầu trên, đầu dưới gọi là trục – để tờ tranh cứng cáp hơn.  Tranh tô màu tận dụng nguồn lao động của cả gia đình. Màu sắc in tranh được quy định nghiêm ngặt, trẻ em khi làm thường sơ ý nên vị trí in màu bị thay đổi, nhà nào không có người chủ giỏi lại không theo dõi sát sao  thì tranh không thể đẹp được.

Bốn bước in tranh Gà dạ xướng:

GA 1

GA 2

GA 3

GA 4

Hotline

Hotline

0937 307 988