HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline: 0937 307 988

E-mail: ab@tranhdangiandongho.vn

Skype Email

TIN TỨC & SỰ KIỆN
Thư viện videos
TIN TỨC

Nguy cơ mai một dòng tranh Đông Hồ

Tồn tại lay lắt nhiều thập kỷ qua, dòng tranh dân gian Đông Hồ có lịch sử 400 năm đang đứng trước nguy cơ mai một.

Thăng trầm

Thời kỳ cực thịnh của dòng tranh này là trước năm 1944. Thời đó, 17 dòng họ trong làng Đông Hồ đều làm tranh. Mỗi năm phiên chợ bán tranh của làng chỉ họp năm phiên, mỗi phiên năm ngày vào dịp tháng Chạp để bán cho khách thập phương.

Để chuẩn bị cho phiên chợ, cả làng tất bật từ tháng bảy âm lịch. Sân nhà, sân đình, triền đê sông Đuống bừng lên năm sắc mầu cơ bản: sắc đỏ của sỏi son, sắc xanh từ lá chàm, sắc vàng của hoa hòe, mầu đen của rơm nếp và lá tre, mầu trắng óng ánh từ vỏ sò, vỏ điệp.

Nhưng rồi theo thời gian, tranh Đông Hồ ngày càng mai một. Trong những năm từ 1960 đến 1970, tranh Đông Hồ bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn. Những bản khắc cổ có giá trị đã bị hư hỏng, thất lạc rất nhiều. Năm 1967, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Bắc (cũ) ký hợp đồng với Nhật Bản thành lập Đội sản xuất tranh. Thời gian đầu đội chỉ in cầm chừng mỗi tháng được trên dưới 1.000 tờ.

Từ năm 1970 đến 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang 12 nước XHCN. Thời kỳ này, việc xuất khẩu tranh đạt được kết quả nhiều nhất. Từ đó đến năm 1990, do sự thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ và tác động của kinh tế thị trường, dòng tranh Đông Hồ tồn tại lay lắt. Đến nay, hầu hết những người làm tranh đều bỏ nghề.

Vẫn còn người tâm huyết...

Nguy co mai mot dong tranh Dong Ho

Những người thợ làm khuôn tranh còn rất ít trong làng nghề
Hiện nay ở Đông Hồ, chỉ còn hai nghệ nhân ở tuổi "cổ lai hy" nhưng còn tâm huyết, cố giữ nghề. Hơn 37 năm nay, ông Nguyễn Hữu Sam, nghệ nhân của làng tranh cặm cụi sưu tầm, bảo tồn những bản khắc cổ và tận tâm truyền nghề cho con cháu.

Sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống làm tranh, khi còn nhỏ ông đã đam mê những sắc mầu độc đáo của tranh Đông Hồ. Từ năm 1967 đến năm 1989 ông vừa là Đội trưởng Đội sản xuất tranh, trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật, vừa nghiên cứu, sưu tầm, phục chế, sáng tác tranh.

Đến nay, ông đã có trên 600 bản khắc kể cả các bản sưu tầm, phục chế và sáng tác mới, trong đó có gần 200 bản khắc cổ.

Ông cho biết: Muốn giữ nghề phải không nghĩ tới cái lợi trước mắt. Suốt tháng ngày, ông cần mẫn in ra những bức tranh sống động: "Đến hẹn lại lên", "Múa quạt Quan họ", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô"... Theo gương ông, nhiều con cháu đã tự làm tranh và mở được phòng tranh riêng.

Thuộc thế hệ làm tranh thứ 22 của làng Đông Hồ, trăn trở trước tình trạng mai một của nghề tranh sau khi nghỉ hưu, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế dành dụm lương hưu làm tranh và ba năm sau tranh của ông đã có người mua. Tìm mua các bản khắc mà nhiều gia đình lưu luyến với nghề cũ còn giữ lại được, ông nhân thêm nhiều bản khắc mới. Số bản khắc ông dày công sưu tầm, phục chế, sáng tác ngày một nhiều và phong phú thêm.

Đến nay, số bản khắc của gia đình ông đã có hơn 1.000 bản, trong đó có 150 bản khắc cổ, 100 loại tranh phục hồi, 20 loại tranh mới vẽ như: "Bác Hồ với thiếu nhi", "Bắt phi công Mỹ", "Đào mương chống hạn"... Con trai ông đã có phòng tranh ở Hà Nội, mở rộng được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm này.

... nhưng dòng tranh vẫn có nguy cơ mai một

Nguy co mai mot dong tranh Dong Ho

Du khách xem tranh ở nhà ông Nguyễn Hữu Quả
Cách đây gần năm năm, Câu lạc bộ làng tranh được thành lập với 20 hội viên với mục đích tổ chức dạy nghề, quản lý và bán tranh tại đình làng, được Tổng cục Du lịch hỗ trợ 50 triệu đồng, xã trích ngân sách 15 triệu đồng và vận động nhân dân đóng góp 20 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất.

Tuy nhiên trong suốt mấy năm qua, câu lạc bộ hầu như không hoạt động, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Cuối tháng 9-2004, được sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch - Thương mại Bắc Ninh đã khai trương "Phòng tranh Đông Hồ", nhưng cũng chỉ trên cơ sở phòng tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Ảnh hưởng xu hướng thương mại hóa, các hình thức in lưới, dùng bột mầu thay cho chất liệu thiên nhiên... trở nên phổ biến đã làm cho dòng tranh mất dần đi những nét đặc trưng vốn có. Nhiều bản khắc cổ đứng trước nguy cơ bị thất lạc, bị hư hại do cung cách bảo quản thủ công.

Tuy đã có nhiều cố gắng của không ít cá nhân, tổ chức, nhưng việc khôi phục và phát triển dòng tranh vẫn đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Tranh Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một.

Hotline

Hotline

0937 307 988