HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline: 0937 307 988

E-mail: ab@tranhdangiandongho.vn

Skype Email

TIN TỨC & SỰ KIỆN
Thư viện videos
TIN TỨC

Làng tranh Ðông Hồ

Tranh Ðông Hồ có từ thời Lê, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngày xưa chợ tranh họp 5 phiên trong tháng duy nhất của năm – tháng chạp vào các ngày 6,11,16,21,26.
Chợ chỉ họp và bán tranh sau khi các gia đình đã sửa lễ cúng thánh, vì thế trong dân


vinh_hoa_500_01 vinh_hoa_500         
gian vùng này truyền tụng câu ca rằng: 

Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh...


Ở cái làng nghèo mà hào hoa như làng tranh Đông Hồ trước đây thường truyền nhau câu ca "Làng Mái có lịch có lề - Có sông tắm mát, có nghề làm tranh" và "Lịch sử cũng thể Đông Hồ". Không khí sầm uất vào cữ một chạp, các thuyền từ xứ Đông xứ Đoài ghé bến "ăn tranh". Người làng tranh trước ở ngoài đê, vào mùa vụ làm tranh cũng phải một sương hai nắng tất bật khuya sớm. Thôi thì chỗ này rậm rịch tiếng chày giã điệp, chỗ nọ dỡ ván in tranh cọ rửa lau chùi sạch sẽ. Khói đốt than lá tre ẩn hiện la đà trên các ngọn cây. Làng Đông Hồ ruộng đất ít, từ cụ già đến con trẻ đều mê và nghiện trà đặc. Thuốc lào Tiên Lãng và chè móc câu Thái Nguyên là thứ không thể thiếu được trong các đêm làm tranh. Tiếng rít thuốc lào sòng sọc nghe vui tai, nước trà đặc sánh, làm cho đầu óc minh mẫn, tỉnh táo khiến cho nét vẽ, màu vẻ thêm sống động, có hồn có vía. Tranh đẹp hay không đẹp đều chỉ nhất loạt giữ giá một, người sành chơi có thể tuỳ ý lựa chọn. Không khí Tết chộn rộn không chỉ ở cảnh kẻ bán người mua tấp nập, mà cả bởi vẻ rực rỡ, sắc màu tươi rói của những bộ tứ bình, Thạch Sanh, những gà, lợn, mèo, chuột, ngựa...
 
Tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp


Có thể nói, cái đặc biệt của tranh Ðông Hồ là ở chỗ đó. Tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Huế ... không thể có sắc màu muôn hồng ngàn tía của tranh Ðông Hồ, cũng không thể có nền giấy điệp quyến rũ đó. Người sành tranh Ðông Hồ chính bởi chất dân gian chứa đựng trong tờ tranh nền giấy điệp trắng ngà, lướt nhẹ lượt hoà vàng hay vàng đỏ, không khỏi chạnh lòng nhớ tranh Ðông Hồ ngày xưa.

Người dân làng Hồ chuyên sản xuất tranh nhưng chẳng bao giờ treo trong nhà mà đem bán hoặc cho thiên hạ hết. Người làng ra Hà Nội sinh sống làm ăn tập trung quanh chợ Đồng Xuân làm lại nghề lâu rồi và do đó quen gọi là phố Hàng Mã. Mà cũng chỉ làm hàng mã thật chứ tịnh không thấy sản xuất tranh như ở làng Đông Hồ. Nghề làm tranh trong làng rất được trọng vọng; ai có hoa tay, có thú chơi cầm, kỳ, thi, họa đều được mọi người vị nể (cũng là theo cái thú tao nhã của nhà nho xưa). Làng tranh cũng trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Các cụ nghệ nhân trong làng kể lại: Hồi Pháp thuộc, người ở nhà Bác Cổ thỉnh thoảng lại đánh xe ô tô về mua tranh, thậm chí mua cả bản khắc tranh nữa! Nhà cụ Lử có bản khắc tranh gà rất quý đưa đi đóng cửa chuồng gà, người Pháp phát hiện ra hỏi mua cụ bán liền. Nghĩ mà tiếc đứt ruột! Lại còn nhớ cái thuở Tây càn, dân làng Hồ chạy loạn, binh lửa chiến tranh liên miên và cái khí hậu ẩm ướt khắc nghiệt của thiên nhiên miền Bắc, ván khắc tranh bị hỏng và thất lạc khá nhiều.

Bản gốc tranh Đánh ghen, Gà đại cát, lợn ăn lá dày... cũng không còn nữa. Sau ngày Hòa Bình lập lại thấy trên báo Pháp có in tranh dân gian làng Hồ, Chính phủ ta phải liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp xin cho khắc lại ván tranh để bảo tồn. Tranh Đông Hồ có một dạo lên đến điểm "cực thịnh", đã từng sáng giá trong các triển lãm nghệ thuật lớn ở các nước trên thế giới với nét vẽ nhuần nhụy, tươi tắn như hồn người đất Việt. Bà con Việt kiều khi về nước cũng phải tìm mua bằng được những "bức tranh làng Hồ và cô Tố Nữ dáng quê hương, để khi ở xa quê trong sương mù Luân Đôn hay cái giá lạnh của Pa-ri hoa lệ, cảm thấy ấm lòng ở chốn tha hương”

Thực trạng của làng tranh bây giờ ra sao? Cũng khó tìm ra được lời giải đáp cụ thể nếu Nhà nước không đứng ra đầu tư và tiêu thụ. Có một dạo Xuhasaba (Hà Nội) nhận đặt và xuất khẩu với số lượng tranh lớn cũng làm nức lòng người dân nơi đây vì giá thành tranh không đắt lắm. Nhu cầu vài năm gần đây thay đổi, cứ mạnh ai nấy làm. Người làng tranh bây giờ nảy sinh tâm lý: ai đặt thì làm, nhiều khi với số lượng tranh quá ít cũng không muốn làm. Thi thoảng lắm cũng có nơi về làng tranh đặt vài nghìn tờ, không sản xuất được thường xuyên nên cũng khó tổ chức sản xuất tranh được đều đặn trong năm, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm tranh. Các nghệ nhân như cụ Thúc, ông Sâm, ông Lăng... có tay nghề cao và kinh nghiệm, đều mắt mỏi tay run hoặc dần dần khuất núi cả. Lại nhớ đến ông Lý Lăng -Ông là nghệ nhân vẽ mẫu tranh nổi tiếng làng Đông Hồ theo kinh nghiệm. Nghĩa là vừa làm vừa học... Cứ bắt chước, cứ học hỏi dần. Nhà này nhờ vẽ mẫu tranh này, nhà khác gọi giúp mẫu tranh khác... Cũng là tình xóm giềng, ông chẳng tiếc sức, tiếc công! Ngoài việc sáng tác mẫu tranh, ông còn truyền đạt kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho lớp trẻ học hỏi. Chẳng hiểu bây giờ còn bao nhiêu người cụ đã truyền nghề cho, "trụ lại" được với nghề trước thử thách của cơ chế thị trường khắc nghiệt, nhất là đối với một dòng tranh như dòng tranh Đông Hồ...

Dẫu người làng tranh có làm tranh đi nữa cũng phải chạy theo thị trường, nghĩa là khi pha màu chủ yếu là bột goát để giá thành được rẻ... Còn đâu như thủa nào tranh làng Hồ giữ nguyên được sắc màu tươi tắn, nhuần nhụy của các màu lấy từ... cây vườn, nội cỏ! Họa chăng tranh làng Hồ còn giữ được sắc thái tự nhiên (theo nguyên nghĩa của từ này) chỉ còn được chiêm ngưỡng ở Viện bảo tàng và các sưu tập tư nhân mà thôi! Mà sức sống của tranh dân gian này chủ yếu phản ánh tâm tư nguyện vọng của người lao động. "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp", một nhà thơ xứ Bắc sinh ra từ đất Làng Hồ - Hoàng Cầm, đã từng viết như thế.
Chỉ cần vài tờ tranh cuộn lại bên cạnh nải quả cúng tổ tiên và dán treo trên vách nứa tường tre cũng làm nhẹ nhõm thư thái lòng người khi tết đến và nguôi đi nỗi nhọc nhằn cấy hái trên đồng ruộng! Đấy là chưa kể những khu du lịch ở khắp đất nước ta nếu tiêu thụ được cũng là có dịp để giới thiệu cho bạn bè năm châu thấy cái hay, cái đẹp của tranh dân gian, phần nào góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên cơ sở tìm về cội nguồn dân tộc.

Hotline

Hotline

0937 307 988