Làng tranh Đông Hồ, xưa có tên là làng Mái (nay thuộc xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn còn đó những dấu ấn gợi nhắc về một dòng tranh nổi tiếng. Nói về lịch sử của dòng tranh cổ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, một trong số ít nghệ nhân cao tuổi còn lưu giữ được nghề làm tranh tự hào cho rằng, từ trước đến nay, nhiều người biết đến tranh Đông Hồ với những thể loại tranh dân gian, trào phúng. Nhưng còn một đặc điểm khác của dòng tranh cổ này mà chưa nhiều người quan tâm, đó là những bức tranh phản ánh sự biến đổi của thời cuộc - mảng sáng tác góp phần tạo nên một sự độc đáo đặc biệt của tranh Đông Hồ.

Bức tranh “Đám cưới chuột” là sự thể hiện tài tình các thói hư tật xấu của xã hội phong kiến thông qua hình tượng các con vật một cách dí dỏm và sâu sắc, nhưng ý nghĩa của bức tranh vẫn còn nguyên tính thời sự đến ngày nay; bức “Đánh ghen” là một trong những tranh sinh hoạt dí dỏm, nhưng cũng mang tính giáo dục cao về lối ứng xử của người lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ của trẻ. Hình ảnh lợn xuất hiện nhiều trong tranh Đông Hồ, là con vật gắn liền với người nông dân chất phác. Lợn mang một ý nghĩa rất riêng: thể hiện sự sung túc, thịnh vượng, một năm mới phát tài phát lộc. Vì vậy, khi khắc họa trên tranh, hình ảnh chú lợn cũng mang những sắc thái tươi vui và dí dỏm…

Sức sáng tạo của nghệ nhân dân gian là vô tận, khi các tác giả khéo léo đưa vào tranh những câu chuyện “Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa”, bộ tranh vẽ phỏng theo Truyện Kiều của Nguyễn Du, những bộ tranh vẽ về các vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… Điều này cho thấy, tuy là xuất phát từ đời sống dân gian, nhưng qua trí tưởng tượng đầy sáng tạo của các nghệ nhân, tranh Đông Hồ không bó hẹp trong một khuôn khổ sáo mòn mà đã có sự đổi mới, bứt phá để tồn tại.

Bức tranh “Đám cưới chuột” ẩn chứa nhiều thông điệp của xã hội Việt Nam thời phong kiến.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tranh Đông Hồ còn được các tác giả lồng ghép phản ánh những bối cảnh, giai đoạn lịch sử nhất định, phù hợp với định hướng tuyên truyền của Nhà nước cũng như đời sống của người dân. Nội dung tranh còn theo sát với biến đổi trong đời sống xã hội. Đó là vào thời kỳ phong trào Âu hóa phát triển rầm rộ, nhiều bức tranh phê phán, đả kích sự lai căng, lố bịch... Sau này, khi đất nước thống nhất, cả nước tập trung tăng gia sản xuất, tranh Đông Hồ lại tiên phong trên tuyến đầu phản ánh khí thế lao động hăng say ấy. Nhiều bức tranh Đông Hồ được các nghệ nhân vẽ để cổ động cho phong trào lao động sản xuất như “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “Bảo vệ hòa bình”...

Bản thân nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã sáng tạo ra hơn chục bức tranh có đề tài mới, như “Đổi công hợp tác”, “Hợp tác xã mua bán”, rồi “Cải tiến nông cụ”... Có cả những bức tranh vẽ về thời gian chống chiến tranh phá hoại của địch như “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Phụ nữ ba đảm đang” và đặc biệt là bức “Không cho chúng nó thoát”, được ông vẽ lại cảnh tượng quân và dân ta bắt giặc lái Mỹ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972…

 Sau khi được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đặc biệt trước nguy cơ làng tranh thiếu vắng nghệ nhân, tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp trong giai đoạn 2012-2016.

Cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về bảo tồn dòng tranh truyền thống, vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư.

Theo đó, đề án sẽ bao gồm các dự án nhỏ: Dự án phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ 2014-2016 với kinh phí 2,1 tỷ đồng; Dự án xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ 2014-2020, kinh phí thực hiện 50 tỷ đồng; Dự án xây dựng hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thực hiện từ 2014-2016 với kinh phí 7,8 tỷ đồng. Đề án sẽ hướng tới mục tiêu khẳng định giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ, xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này; nâng cao nhận thức và hành động của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ; quảng bá, giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ ra thế giới và tiến hành việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tiếp nối những thành công trong lần ra mắt trước, trong dịp Tết năm nay, triển lãm tranh Đông Hồ dự kiến được mở rộng hơn cả về quy mô lẫn thời gian diễn ra. Cụ thể, theo kế hoạch của Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh, tỉnh sẽ tổ chức các phiên chợ tranh vào cuối tháng Chạp, gần với Tết Ất Mùi ngay tại xã Song Hồ, làm sống lại không khí của chợ tranh ngày Tết. Cùng với đó, chương trình giới thiệu, triển lãm tranh tại khu vực phố cổ Hà Nội vẫn được Ban quản lý di tích phố cổ thực hiện như mọi năm. “Không chỉ có ý nghĩa là tạo không gian Tết, mà đây còn là cách làm thiết thực để khơi dậy kí ức về tranh Đông Hồ” - ông Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết.