HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline: 0937 307 988

E-mail: ab@tranhdangiandongho.vn

Skype Email

TIN TỨC & SỰ KIỆN
Thư viện videos
TIN TỨC

10 BỨC TRANH ĐÔNG HỒ PHỔ BIẾN / NỔI TIẾNG TIẾNG NHẤT

Tranh Đông Hồ sản phẩm mang ý nghĩa văn hóa đặc trưng của Việt Nam, có xuất xứ từ làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Qua nhiều thế kỷ tồn tại, dòng tranh Đông Hồ đã sử dụng chính cái hồn của cuộc sống để vẽ tranh và phác họa tinh thần dân tộc. Dòng tranh này có sức sống bền bỉ theo thời gian và khá gẫn gũi với người Việt. Hình ảnh trong tranh gắn liền với làng quê, ngõ xóm và phản ánh cuộc sống bình dị của người dân Việt Nam.  

Dưới đây là 10 bức tranh / cặp tranh dân gian Đông Hồ phổ biến và được nhiều người biết đến nhiều nhât:

1. ĐÀN LỢN ÂM DƯƠNG:

Trong cuộc sống ở nông thôn thời xưa, gà và lợn là hai vật nuôi vô cùng gần gũi, quen thuộc. Bằng những màu sắc, đường nét dân dã mang tính ước lệ cao, những con gà, con lợn trên tranh Đông Hồ đã cõng trên lưng mình cả một bầu tâm tư, khát vọng của những người nông dân.

Bức tranh Đông Hồ “Đàn lợn âm dương” miêu tả cảnh đàn lợn con quây quần quanh mẹ là ước muốn một cuộc sống sung túc, bình an vô sự. Hình ảnh xoáy âm dương trên mình lợn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở. Trước đây, tranh “Đàn lợn âm dương” được treo nhiều trong ngày Tết là để thể hiện mong ước năm mới thịnh vượng, phát tài phát lộc, đông con nhiều cháu. Người ta thường tặng cho vợ chồng mới cưới để chúc họ sớm có con.

Nhiều thế hệ người Việt từng thuộc bài thơ "Bên kia sông Đuống" của Thi sĩ Hoàng Cầm, trong đó có câu:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

2. ĐÀN GÀ MẸ CON

Bức tranh ''Đàn gà mẹ con'' biểu trưng cho sự hạnh phúc, đầm ấm trong gia đình, đồng thời, làm toát lên sự hy sinh, vất vả của người mẹ khi kiếm mồi cho đàn con. Ngoài ra, bức tranh còn cho thấy thực tế xã hội khi muốn nhấn mạnh việc một mẹ có thể nuôi được 10 con, nhưng chưa chắc 10 người con có thể nuôi được mẹ.

Bức tranh “Đàn gà mẹ con” có 4 màu: màu đỏ nâu, màu xanh, màu vàng, màu đen. Trong hình bên dưới là lần in màu đen sau cùng để hoàn thành tác phẩm

3. ĐÁM CƯỚI CHUỘT:

“ĐÁM CƯỚI CHUỘT” là bức tranh nổi tiếng của làng Đông Hồ, theo các nhà nghiên cứu thì tranh được sáng tác khoảng 500 năm trước. Để hoàn thành bức tranh “Đám cưới chuột”, người nghệ nhân cần đến 4 khuôn in (xem hình bên dưới), mỗi khuôn in được 1 màu, như vậy cần đến bốn lần in. Màu đen in cuối cùng.

Bức tranh ''Đám cưới chuột'' mang nội dung vừa hài hước, vừa châm biếm sâu xa. Hài hước ở chỗ, làm sao lại có chuột lấy vợ và đi rước dâu!? Người nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào tác phẩm, nhân hóa loài chuột để chúng mang dáng dấp con người, cũng biết làm đám cưới. Châm biếm ở chỗ, chú rể chuột kia muốn đón dâu lại phải mang chim và mang cá cống cho mèo.

Trong tranh có 12 con chuột và 1 con mèo. Tranh được chia làm 2 phần: Tầng trên là cảnh dâng lễ cho mèo với bốn con chuột. Tầng bên dưới là cảnh đón dâu với tám con chuột, dẫn đầu là “chú rể chuột” đang ngồi trên lưng ngựa. “Cô dâu chuột” ngồi trong kiệu cũng vấn khăn, mặc áo gấm xanh và nhìn chú rể đang cưỡi ngựa đi phía trước vẻ tự hào mãn nguyện.

4. HỨNG DỪA

“Hứng dừa" phác họa một gia đình hạnh phúc. Tình cảm hồn nhiên trong sáng được phác họa qua hình ảnh trái dừa và các hoạt động. Người con trai đảm nhận công việc hái dừa trên cao là chứng tỏ bản lĩnh và trách nhiệm của người trụ cột gia đình. Người con gái dùng váy hứng dừa từ người con trai trao cho vì sợ dùng tay không đỡ được, nếu trái dừa rơi xuống sẽ vỡ ra, cũng như hạnh phúc "rơi xuống" sẽ không còn nguyên vẹn, điều này thể hiện sự trân trọng của cô gái đối với hạnh phúc mà mình đang có.

Trên tranh có hai câu thơ lục bát rất hay và ý nghĩa:
"Khen ai khéo tạc nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”

5. VINH QUY BÁI TỔ 

Bức tranh này có có tên là QUAN TRẠNG VỀ LÀNGTrước đây, đỗ trạng nguyên không chỉ là niềm vinh dự cho vị tân khoa, cho cha mẹ, họ hàng, làng xóm, mà còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, đấng sinh thành và thầy dạy theo đúng đạo lý Việt Nam: "CÔNG CHA, NGHĨA MẸ, ƠN THẦY".

TÌM HIỂU VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA LỄ "VINH QUY BÁI TỔ":

Vào năm 1484, Vua Lê Thánh Tông ban lệ "BIA ĐÁ ĐỀ DANH", nghĩa là danh tính của các tân khoa tiến sĩ trong các kỳ thi, được khắc vào bia đá, dựng ở Văn Miếu tại Thăng Long để vinh danh người tài và khuyến khích học tập.

Theo sử sách, tính đến năm 1800, nước ta đã có 2.266 vị tiến sĩ. Cũng kể từ năm 1484, các tân khoa được nhà vua ban yến tiệc, mũ áo, cân đai và cho lính hầu đưa rước về nơi sinh quán. Dân chúng trong tỉnh huyện, làng xã hãnh diện đón rước vị tân khoa với cờ, lọng, chiêng, trống rầm rộ.
(Tên của vị trạng nguyên đôi khi còn được gọi theo tên của làng quê nơi sinh ra vị tân khoa đó, ví dụ như Trạng Phùng Khắc Hoan, còn được gọi là Trạng Bùng (do ông sinh ra tại làng Bùng, nay là làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Nếu vị tân khoa đã có gia đình thì người vợ cũng được đón rước cùng với chồng theo đúng lệ "NGỰA ANH ĐI TRƯỚC, VÕNG NÀNG THEO SAU". Khi về tới làng, vị tân khoa sẽ đến nhà thờ tổ của dòng họ và đình làng bái tạ tổ tiên, rồi về bái tạ thầy dạy và cha mẹ.

6. VINH HOA - PHÚ QUÝ

Có lẽ đây là hai bức tranh được nhiều người biết đến nhất, nhìn vào tranh có thể nhận ra ngay đó là tranh Đông Hồ. Tranh với nội dung cầu mong bé trai và bé gái trong gia đình khi lớn lên có cuộc sống thành đạt, hạnh phúc và may mắn. 

Hai bức tranh này có bố cục đơn giản, tập trung đặc tả con người và các con vật, hoa lá, màu sắc tươi vui, các mảng màu mạnh mẽ, giàu tính trang trí gợi cảm. Đường nét to khỏe uyển chuyển, khuôn mặt em bé sinh động rạng rỡ, xinh xắn thật đáng yêu. 

CÁC BƯỚC IN TRANH:

Để hoàn thành bức tranh Vinh Hoa hoặc Phú Quý, nghệ nhân Đông Hồ cần đến 5 khuôn in bằng gỗ (xem hình bên dưới), mỗi khuôn in được một màu, màu đậm in trước, màu nhạt in sau, màu đen in cuối cùng. Dưới đây là 5 khuôn gỗ dùng để in bức tranh Phú Quý:

Khi in xong một màu, phải chờ khô thì mới in màu tiếp theo. Các màu in lần lượt như hình minh họa hình trên.

7. LÝ NGƯ VỌNG NGUYỆT / CÁ CHÉP TRÔNG TRĂNG

Cá chép gắn liền với hình ảnh cá vượt vũ môn, biểu tượng cho sự thăng tiến về tiền tài, công danh, sự nghiệp. Tranh cá chép trông trăng còn được gọi là tranh “lý ngư vọng nguyệt” với hình ảnh: cá chép, mặt trăng và hoa sen, đều là những hình ảnh đẹp, giàu ý nghĩa biểu tượng.

Cá chép nhắc người ta nhớ đến truyền thuyết nổi tiếng “Cá chép hóa rồng”. Vì thế, bộ tranh cá chép được dùng như là tấm gương của ý chí, nỗ lực, vượt qua giới hạn bản thân để đến được bến bờ thành công.


Bộ đôi tranh cá chép trông trăng được nhiều người treo trong phòng khách gia đình, phòng làm việc công ty hoặc tặng khai trương nhà mới.

8. CHĂN TRÂU THỔI SÁO - CHĂN TRÂU THẢ DIỀU 

CHĂN TRÂU THỔI SÁO và CHĂN TRÂU THẢ DIỀU với ý nghĩa ca ngợi cuộc sống bình yên ở các làng quê Việt Nam trước đây và cầu mong khát vọng về sự thành đạt của con người. Đây là hai bức tranh thể hiện cuộc sống giản dị và thanh bình của những em bé chăn trâu ngày xưa. Con trâu vừa là tài sản lớn của gia đình mà chú bé phải trông nom, lại vừa là người bạn thân thiết của chú.

Trong tranh, chú bé vừa chăn trâu và vừa vui thổi sáo, vừa chăn trâu vừa vui thả diều. Phía trên đầu có tàu lá sen và cánh diều che nắng. Con trâu có vẻ hào hứng khi vểnh tai lên nghe tiếng sáo và phi nước đại cùng cánh diều bay bổng trên cao.

Trong đời sống nông nghiệp trước đây, con trâu được xem là tài sản quý của người nông dân - ‘’Con trâu là đầu cơ nghiệp’’, hoặc có những câu ca dao rất hay mà nhiều người biết đến:
''Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa trổ bông
Đồng đầy ngọn cỏ tha hồ trâu ăn''

Nhìn vào bức tranh này, chúng ta cảm nhận được niềm vui và sự hồn nhiên của tuổi thơ những em bé chăn trâu ngày xưa.

9. LỢN ĂY CÂY RÁY

Tranh Đông Hồ ở vùng Kinh Bắc nổi tiếng không chỉ bởi bố cục, đường nét mà mỗi một bức tranh đều mang hàm nghĩa sâu xa, trong số những tác phẩm đó, không thể không kể đến bức tranh “Lợn ăn cây ráy”.

Nghệ nhân dân gian đã tạo ra bức tranh "Lợn ăn cây ráy" mô tả một con lợn trong tư thế nằm ngang với thân hình đồ sộ, mũm mĩm chiếm gần hết bức ảnh. Lợn đứng, đuôi cong, tai vểnh, bốn chân hơi chụm lại. tạo thế phản đòn dồn sức để chộp lấy cây.

Đặc điểm của hầu hết những con lợn trong tranh như sau: Mõm dài, miệng rộng tới tận tai như một cái xô chắc chắn. Nhưng ông bà ta có câu “miệng xô ngày nhai hai gánh cám” chứng tỏ đó là loại lợn háu ăn - Lợn lưng rủ là loại lợn háu ăn, chóng lớn.

Trên lưng lợn, người ta thấy các nghệ nhân thường vẽ một đường viền khác màu và mọc một chùm lông lệch về một phía, loại lợn này ngoan, ăn khỏe và chóng lớn. Cây xanh, phổ biến nhất phải kể đến là cây khoai là thức ăn phổ biến của lợn. Trong hình, lợn miệng há rộng, ngậm chặt cúi mình trên cây, thân hình đồ sộ hơi ngả về phía sau với dáng đi mạnh mẽ, dứt khoát.

10. NHÂN NGHĨA - LỄ TRÍ

Tranh “LỄ TRÍ” với hình ảnh em bé ôm rùa được thể hiện ước nguyện cầu chúc cho sự mạnh khỏe và sống lâu, kính cẩn, tôn trọng với người bề trên. Ngoài ra, còn có được cái “LỄ” để ứng xử phải phép với mọi người, kính trên nhường dưới và cái “TRÍ” giỏi giang thông minh, lanh lợi. Tranh này còn được gọi bằng một cái tên khác là “Gái sắc bế rùa xanh” với ý cầu cho bé gái lớn lên được xinh đẹp, nhu mì, hiền dịu, chăm chỉ, đảm đang.

Còn tranh “NHÂN NGHĨA” với hình ảnh em bé ôm cóc tía thể hiện ước nguyện cho cậu bé trai khi lớn lên sẽ trở thành người tài giỏi để có thể bảo vệ, đòi quyền lợi công bằng cho những người xung quanh. Từ “NGHĨA” ấy chính là tình người, tình yêu thương cũng giống như chú Cóc: Tuy mình mẩy xấu xí nhưng dám cả gan kiện trời để đòi mưa cho dân làng. Tranh Nhân nghĩa vì vậy còn được gọi là tranh "Trai tài ôm cóc tía".
 

GHI RÕ NGUỒN:  www.tranhdangiandongho.vn KHI ĐĂNG LẠI BÀI VIẾT NÀY.

 

Hotline

Hotline

0937 307 988